(Review) The Theory Of Everything (2014)

GENERAL VIEW

Stephen Hawking, nhà vật lý, vũ trụ học lỗi lạc người Anh được biết đến qua nhiều những công trình vĩ đại và nổi bật là “Lý thuyết kỳ dị hấp dẫn” cùng tiên đoán “hố đen phát ra bức xạ” hay còn được gọi là lý thuyết “Bức xạ Hawking”. Chắc hẳn không còn ai lạ lẫm gì trước sự nghiệp đồ sộ của con người tài năng này, mặc dù phải đối diện với bệnh tật nghiệt ngã; nhưng có lẽ ít ai biết được đằng sau những buổi thuyết trình được cả thế giới biết đến, những tác phẩm kinh điển trong giới khoa học, chính là đời sống hết sức riêng tư của Stephen Hawking, và câu chuyện với người vợ, người bạn đời luôn sát cánh bên ông – Jane Hawking.

EXPLICIT REVIEW

Điều đầu tiên mình muốn nhấn mạnh ở đây là sự mới mẻ của mà câu chuyện đưa tới ở góc nhìn về cuộc đời của Stephen Hawking. Bộ phim đầu tiên là năm 1991 “A Brief History of Time” do đạo diễn Errol Morris cùng với “Hawking” (2004) do đài BBC sản xuất, cả hai đều có một điểm chung là chủ yếu nhấn mạnh vào sự nghiệp cùng những khó khăn, vật lộn của Stephen Hawking khi đối diện với chứng “Suy giảm thần kinh vận động.” Đó là lí do vì sao “The Theory of Everything” chính là cơn gió mới lạ khi thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu, đời sống cũng như tâm tư của SH (cho phép mình viết tắt).

Mình thích sự thật rằng dưới góc quay của bộ phim này, SH cũng chỉ như bao chàng thanh niên khác với những niềm vui bạn bè, những bữa tiệc nhậu, những giây phút đùa giỡn, ở bên người con gái mình yêu, với tất cả sự hứng khởi của tuổi trẻ sung sôi trong huyết mạch, tất cả đều đang quẫy vùng cho một điều gì đó lớn lao hơn là những tiết giảng, bài luận trên ghế trường đại học Cambridge danh tiếng.

Không có gì ngạc nhiên khi Eddie Redmayne đạt giải “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” cho giải Oscar năm 2015. Một sự tiến bộ vượt bậc cũng như đáng kinh ngạc trong “The Theory of Everything”, mình cảm giác như đó là một SH bằng xương bằng thịt đang quay ngược thời gian để sống lại những mốc thời gian trong cuộc đời mình vậy. Những giằng xé, ánh mắt, khuôn miệng, bước chân dị tật, đôi tay co quắp, tất cả đều được thể hiện một cách hết sức tỉ mỉ.

Khi xem bộ phim này, mình đã không ngừng kêu lên ‘Jane khổ quá, sao con người ta có thể chịu được cực nhọc như thế?’. Một cô gái sẵn sàng gạt bỏ đi tuổi xuân, cuộc đời của mình để ở bên người chồng bệnh tật, để sống bên ông trong những giây phút tuyệt vọng, hoạn nạn nhất, gây dựng một gia đình với những đứa con xinh xắn. Một Jane Hawking đầy nghị lực được thể hiện thành công bởi Felicity Jones. Tuy Jane không phải là người bước trọn cuộc sống hôn nhân với Stephen đến cuối đời, nhưng không thể phủ nhận bà đã đóng một phần rất quan trọng trong đời sống tình cảm của Stephen Hawking.

Phần âm nhạc da diết cùng những khung hình rạng rỡ đi kèm với nhịp phim chậm rãi nhưng không hề nhàm chán, “The Theory of Everything” xứng đáng được đứng trong những giải đề cử sánh vai bên những bộ phim nặng ký khác.

LAST WORDS

Một bộ phim nhẹ nhàng và thấm thía, mình nghĩ đây sẽ là một bộ phim phù hợp với ngày cuối tuần thư giãn cùng gia đình, bạn bè cũng như bên người yêu.

Leave a comment